Công dụng của hoa sen – những giá trị trường tồn cùng năm tháng

Những cánh đồng sen, những đóa hoa sen luôn là một cảnh sắc níu giữ ánh mắt người nhìn. Hoa sen luôn có một giá trị nhất định trong lòng mỗi người Việt Nam dẫu qua bao thế hệ. Do quá gần gũi, những công dụng của hoa sen được người Việt đưa vào sử dụng một cách triệt để trong đời sống hằng ngày. Chúng có mặt trong y học, ẩm thực hay văn hoá từ bao đời nay như một phần tinh túy của đất Việt.

Nhưng dẫu cho quá đỗi quen thuộc với hoa sen, người ta vẫn còn nhiều điều chưa biết hết về công dụng của hoa sen – loài hoa thuần khiết. Hôm nay, chúng tôi sẽ cùng bạn đọc đi sâu tìm hiểu để biết ngoài sắc hồng dịu nhẹ sen còn mang trong mình biết bao giá trị mà con người có thể thụ hưởng!

cac-bo-phan-cua-hoa-sen-và-cong-dung-cua-hoa-sen
Hoa sen, loài hoa dân dã mà thanh khiết – Ảnh: internet

Các bộ phận của sen

Sen là một loài thực vật sống trong nước, được tìm thấy trong tự nhiên ở các vùng nước ngọt. Sen có mặt ở nhiều địa phương, thật khó để đi xuyên Việt mà không đi qua bất kì một cái ao hoặc hồ nào để có dịp quan sát chúng.

Ngó sen nằm sâu dưới nước với phần rễ của sen. Ngó sen phát triển tới đâu sẽ mọc thành lá và hoa sen tới đó. Lá sen toả tròn, màu xanh, mọc riêng lẻ trên từng cuống lá kéo dài khỏi mặt nước. Hoa sen cũng là từng hoa riêng lẻ, phát triển dần dần và cuối cùng nở trên mặt nước.

Khi hoa nở, ta sẽ dễ dàng quan sát thấy từng cánh hoa bên ngoài bao bọc lấy gương sen có hình nón ngược nằm bên trong. Bên ngoài gương sen là những sợi nhị sen đực màu vàng óng với gạo sen nằm bên trên mỗi đầu nhị. Đây chính là phần tạo hương chủ yếu trên hoa sen. Bên trong gương sen là nhuỵ với nhiều noãn bào. Phần noãn này phát triển hoàn chỉnh sẽ tạo thành hạt sen.

cac-bo-phan-cua-cay-sen
Một đầm sen xanh ngát – Ảnh: internet

Hạt sen gồm vỏ màu xanh bao bọc bên ngoài hai lá mầm dày màu trắng. Trong cùng sẽ là tâm sen màu xanh đậm gồm những lá non gập thành. Tâm sen sẽ là nơi nảy mầm thành sen con nếu ta chọn cách trồng sen bằng hạt.

Củ sen cũng nằm sâu dưới bùn, gồm nhiều đốt nối lại với nhau. Người ta có thể nhân giống sen từ củ sen, hạt sen hay nhổ một cụm sen có phần ngó sen non để đem trồng.

Công dụng của hoa sen trong đời sống thường nhật

Nói đến hoa sen, người ta thường liên tưởng đến sự dịu dàng và thanh thoát. Cũng chính từ xuất thân của nó mà con người càng thêm trân trọng những giá trị cảm quan và ý nghĩa biểu tượng của loài hoa này.

Hoa sen được coi là một biểu tượng thiêng liêng của vẻ đẹp, sự hoàn hảo, thanh bình và thuần khiết bởi vì bông hoa xinh đẹp vươn lên từ bùn nhơ, phát triển để rồi hé nở một cách diệu kỳ và tĩnh lặng trên mặt hồ. Chính vì lẽ đó, hoa sen được dùng để trang trí ở những nơi linh thiêng trong đền chùa hay bất kì một vị trí nào trang trọng trong nhà. Sen mang những đặc trưng của cốt cách người Việt Nam: giản dị, thuần khiết và ý chí vươn lên phi thường trong cuộc sống.

cong-dung-cua-hoa-sen-và-cac-bo-phan-cua-sen
Hoa sen trang trí cho đời sống thêm sắc màu – Ảnh: internet

Là loài hoa hiếm hoi có cả sắc lẫn hương, sen mang tới cho không gian xung quanh nó sự thoả mãn cả về thị giác lẫn khứu giác. Đa dạng các màu sắc từ hồng, trắng, xanh, đỏ, không gian sẽ sáng bừng lên những gam màu tươi tắn nhưng cũng phảng phất một mùi hương êm dịu. Trang trí với hoa sen sẽ đánh thức được cả giác quan sâu kín nhất của con người.

Một trong những công dụng của hoa sen trong đời sống là trà sen ướp xổi. Một nghệ thuật lưu giữ cái hồn tinh túy của người Việt ta trong từng bông sen. Người ta sẽ cẩn thận bóc từng cánh hoa mỏng manh và đổ đầy trà vào bên trong, sau đó buộc lại để đảm bảo rằng trà vẫn khô và an toàn bên trong hoa sen. Sáng hôm sau trở lại, mở cánh hoa và lấy trà ra. Lúc bấy giờ, hương thơm dịu nhẹ và sự ngọt ngào của hoa sen đã ướp đượm lá trà. Tuy nhiên, do thời gian ướp ngắn, nên cách này chỉ là “ướp xổi” mà thôi.

Cánh sen

Là một phần của hoa sen nhưng cánh sen mang trong mình những giá trị của riêng nó. Ngày trước, những cánh hoa sen xinh đẹp thường được sử dụng chủ yếu trong trang trí cho món ăn. Dần dà, người ta đã phát triển thêm những món ăn được làm từ những cánh sen như cánh hoa sen chiên giòn, chả cánh hoa sen hay bánh thịt hoa sen… tất cả đều mang tới một hương vị khiến người thưởng thức không thể nào quên.

Cánh sen cũng có tác dụng dược liệu là cầm máu và an thần. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng chúng phơi khô và hãm trà uống. Vị thanh mát của trà cánh sen chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.

cong-dung-cua-canh-sen-trong-lam-dep
Cánh sen thơm dịu và những giá trị tiềm tàng – Ảnh: internet

Trong các bồn tắm, cánh sen không chỉ có tác dụng trang trí mà còn giúp thư giãn tinh thần và giữ cho làn da tươi trẻ. Nghiền nhuyễn cánh sen trộn với những dược liệu khác cũng là một phương pháp chăm sóc da vô cùng hiệu quả.

Tinh dầu hoa sen cũng khiến những người yêu làm đẹp từ những nguyên liệu thiên nhiên ưa thích. Tác dụng thư giãn, dưỡng da và massage của tinh dầu hoa sen được người tiêu dùng đánh giá cao. Được chiết xuất từ những cánh hoa sen riêng lẻ, nó nằm trong nhóm hương liệu đắt nhất trên thị trường vì quá trình chiết xuất rất tốn kém và công phu.

Nhị sen 

Là nhị đực của hoa sen, liên tu chủ yếu được biết tới với hai tác dụng chính là làm thuốc và ướp trà.

Trà sen là một trong những loại trà cổ nhất của Việt Nam được sản xuất theo quy trình thủ công. Được mệnh danh là thiên cổ đệ nhất trà, trà sen mang đến một hương thơm ngọt ngào và khó quên cho người thưởng thức. Khi dùng trà sen, người ta chủ yếu thưởng hương sen chứ không phải là trà. Tách tỉ mỉ từng hạt gạo sen, ủ từng lớp chung với trà qua năm lần bảy lượt sẽ thu về một loại trà sen mà ngày xưa chỉ dùng để vua chúa thưởng thức.

cong-dung-cua-nhi-sen-lien-tu
Nhị sen cùng gạo sen tạo nên những giá trị khác biệt – Ảnh: internet

Nhị sen trong y học với vị chát, tính ấm thường được phơi khô dùng để nhuận tràng, kháng khuẩn, chống xuất huyết, giảm đau… như một dược liệu thần kỳ.

Hạt sen 

Hạt có thể được tiêu thụ ở dạng thô, rang hoặc xay sau khi tách vỏ. Nó đóng một vai trò quan trọng cho sức khỏe và được thêm vào một số thực phẩm để làm tăng giá trị dinh dưỡng.

Chúng chứa một lượng dồi dào các chất phytochemical với các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa có giá trị. Hạt sen có hàm lượng cholesterol, chất béo và natri thấp nên trở thành một món ăn lý tưởng cho con người. Chè hạt sen, xôi hạt sen hay bất kì một món ăn nào có chứa hạt sen cũng làm cho hương vị trở nên khác biệt.

cong-dung-cua-cu-sen-tuoi-cu-sen-kho
Công dụng của sen có mặt ở khắp mọi bộ phận – Ảnh: internet

Trong Đông y, hạt sen (tươi hoặc khô) có vị ngọt, tính bình được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, thông tâm (nhẹ tim), chữa kiết lỵ, tiêu chảy, suy nhược thần kinh, mộng du… rất hiệu quả.

Gương sen 

Là phần tưởng chừng như bỏ đi sau khi thu hoạch hết hạt sen, nhưng gương sen vẫn còn nguyên cho mình giá trị như một loại dược liệu quý giá. Có vị đắng, chát, tính ôn nên gương sen có tác dụng cầm máu, chữa đau bụng và giúp lợi tiểu.

cong-dung-cua-guong-sen-lien-phong
Gương sen mang tới những giá trị to lớn về dược liệu – Ảnh: internet

Gương sen xé nhỏ, rang trên ngọn lửa nhỏ, sau đó hoà cùng rượu trắng là bài thuốc giúp tiêu ứ, trị băng huyết, tiểu đường thần kì. Công dụng của loại rượu này sẽ tỉ lệ thuận với thời gian ngâm nên càng để lâu càng tốt.

Tâm sen

Trong y học, tâm sen là loại dược liệu có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vị của nó rất đắng, ăn được nhưng không thích hợp để ăn trực tiếp. Tâm sen hay tim sen chính là một trong những bộ phận mang công dụng tuyệt vời của hoa sen.

Tim sen thường được sử dụng như một loại trà uống với tác dụng cho tim mạch, giúp kiểm soát mức huyết áp. Ngoài ra, trà tim sen còn có tác dụng chữa lở miệng, giúp ngủ ngon. Trà từ tim sen thường được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các vị dược liệu khác để tăng cường công dụng.

cong-dung-cua-tam-sen-trong-doi-song
Trà tim sen luôn được những người sành trà đánh giá cao – Ảnh: internet

Tim sen sau khi rang với lửa nhỏ, hoà cùng rượu trắng để ngâm cũng là một loại thức uống giúp tăng cường sức khỏe.

Lá sen 

Từ xa xưa, lá sen đã có một vai trò quan trọng trong y học. Lá sen thường được thu hái vào mùa hè và mùa thu, sau đó cắt nhỏ, phơi khô và dùng để uống như trà. Loại lá này có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng các đặc tính chính của nó liên quan đến việc giúp giải độc cơ thể và chữa các bệnh về máu. Ngoài ra, nó còn giúp giảm huyết áp và giảm co thắt cơ.

Bên cạnh đó, lá sen còn được dùng như một màng bọc thực phẩm. Điều đặc biệt khiến chúng không lẫn vào đâu được chính là mang lại một hương thơm thoang thoảng cho món ăn. Cốm gói lá sen hay cơm gói lá sen là những thức ăn mà một người sành ăn không thể nào quên được. Vị thơm của lá sen quyện với thực phẩm bên trong là sự kết hợp tuyệt vời khiến bạn nhớ mãi không quên khi thưởng thức.

cong-dung-cua-la-sen-trong-doi-song
Lá sen là một hương vị lạ miệng cho những thực khách khó tính nhất – Ảnh: internet

Lá sen trong ẩm thực cũng phát huy công dụng không kém cánh sen. Gà hấp lá sen, chả đùm lá sen, cháo lá sen hay lá sen non ăn sống cùng cá lóc nướng trui cũng sẽ làm người ăn nhớ mãi.

Củ sen

Củ sen được biết đến với độ giòn và vị ngọt nhẹ. Củ sen có thể dùng để ăn sống hoặc nấu chín đều được. Nó được xem như một nguyên liệu mà những người sành ăn có thể biến tấu thành các món hấp, chiên, xào… như canh củ sen, gỏi củ sen hay chè củ sen. Củ sen cũng có nhiều chất xơ và protein.

cong-dung-cua-hat-sen-voi-suc-khoe-con-nguoi
Nghề trồng sen lấy củ đảm bảo cho nông dân một thị trường tiêu thụ lớn – Ảnh: internet

Ngoài hương vị thơm ngon, nó còn chứa một loạt các chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe như vitamin, kali, phốt pho, sắt, vitamin B6 và vitamin C. Người ta dùng củ sen phơi khô làm trà uống cùng gừng để bổ phổi vào những lúc thời tiết giao mùa. Người Hàn Quốc ngâm củ sen như một loại nhân sâm uống để điều dưỡng sức khoẻ.

Ngó sen 

Ngó sen từ lâu được biết tới là một loại thực phẩm thiên nhiên giàu giá trị dinh dưỡng. Được dùng làm nguyên liệu cho các món ăn sống hoặc chín như gỏi ngó sen, canh chua ngó sen, ngó sen làm dưa… Đây là một người bạn đồng hành cùng nền ẩm thực Việt từ thuở khai hoang lập cõi.

ngo-sen
Ngó sen một trong những đặc sản của Đất Sen Hồng – Ảnh: Internet

Ngó sen với vị ngọt, tính bình cũng được sử dụng kết hợp với các dược liệu khác làm thành các bài thuốc chữa các bệnh về máu, giúp thanh nhiệt cơ thể rất tốt.

Cuống sen

Không còn đơn thuần là hình ảnh thi vị trong thơ của đại thi hào Nguyễn Du – “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” – từng sợi tơ nhỏ trên cuống của sen đã làm nên một điều kì diệu trước nay không ai tưởng.

Dùng dao cứa quanh cuống sen, kéo nhẹ cho sợi tơ dài ra, se lại và bắt đầu dệt lên những tác phẩm của riêng mình. Lụa tơ sen là cái tinh tuý diệu kỳ nhất của hoa sen mà người ta có được cho tới hiện nay.

lua-to-sen-lam-tu-cuong-sen
Lụa tơ sen mang đậm linh hồn của cây sen – Ảnh: internet

Không chỉ là một tác phẩm quý từ bàn tay người tạo ra, nó phản ánh cái hồn của cây sen trong đó: bất khuất, dịu dàng và tạo nên những điều không tưởng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook
Chat Zalo
Hotline: 0971.201.205